CHI TẾT 2018 – LÀM SAO ĐỂ CHI PHÍ NÀY ĐƯỢC TRỪ? KHÔNG TÍNH THUẾ TNCN?
===============================================
Tết dương lịch sắp đến rồi. Không khí Noel và tết dương lịch đang tràn ngập khắp mọi nơi. Các Doanh nghiệp đang nô nức lên danh sách người lao động được thưởng tiền tết. Tuy nhiên trong không khí phấn khởi ấy, không ít các chủ doanh nghiệp, các kế toán trưởng đã lo lắng chia sẻ với tôi về việc: “Chi tết dương lịch, âm lịch 2018 (bao gồm cả bằng tiền và hiện vật) – làm sao để chi phí này được trừ? Người lao động không bị khấu trừ thuế TNCN?”
Với mong muốn mọi người chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau và có cơ hội tốt để chia sẻ chuyên môn, tôi xin mạn muội đề xuất 01 trong các giải pháp để giúp các chủ doanh nghiệp, kế toán trưởng yên tâm hạch toán chi phí trên là chi phí được trừ (bao gồm cả trường hợp chi tết bằng hiện vật như bánh mứt kẹo), đồng thời người lao động chúng ta cũng có thêm niềm vui nhỏ về số tiền tết này không tính vào thu nhập tính thuế TNCN của mình.
———————————————————————————
A/ Chi tết dương lịch, âm lịch 2018 (bao gồm cả bằng tiền và hiện vật) – làm sao để chi phí này được trừ?
A.1 Căn cứ Khoản 1 Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC :
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
A.2 Căn cứ khoản 2.30 Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, “2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:
Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Vậy, căn cứ vào quy định trên, để khoản chi phí trên là Chi phí được trừ, DN cần có bằng chứng tin cậy sau:
=> Chứng từ cụ thế:
+ Hợp đồng lao động, trong đó DN và người lao động có thỏa thuận cụ thể về việc chi các khoản phúc lợi
+ Quy chế tài chính của Doanh nghiệp, trong đó có quy định cụ thể về các Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động
+ Tờ trình Tổ chức công đoàn hoặc Bộ phận hành chính nhân sự trình Giám đốc, Phòng Tài chính kế toán phê duyệt kế hoạch:”Chi hỗ trợ đi lại ngày lễ tết cho người lao động, số tiền 01 người, tổng số tiền, đối tượng chi..”
+ Sổ sách, chứng từ kế toán chứng minh, khoản chị trên thuộc Tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
+ Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.: Như Giấy đề nghị thanh toán, Hợp đồng mua quà tết (nếu có); Biên bản giao nhận quà tặng, Hóa đơn GTGT (nếu có)
+ Do Khoản chi này có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, đối với trường hợp mua hàng hóa dịch vụ (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt như Ủy nhiệm chi, sổ phụ ngân hàng
Chú ý: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động & Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
B/ Làm sao để Chi phí tết, quà tết không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động
Căn cứ tiết g.10 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT –BTC thuộc Khoản g quy định các khoản “ Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN…”
Căn cứ Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC 5. Bổ sung tiết g.10 điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT –BTC bổ sung thêm khoản sau Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
“g.10) Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”
Căn cứ vào quy định trên và các bằng chứng kế toán thể hiện khoản tiền tết đáp ứng các điều kiện như phân tích tại mục A trên, phần thu nhập từ khoản tiền tết, quà tết KHÔNG tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
Chúc các doanh nghiệp và mọi người lao động một năm mới an khang, thịnh vượng!
Tình huống kế toán – Nguồn: Internet
Kim Oanh