VẤN ĐỀ TIỀN LƯƠNG TIỀN CÔNG CỦA GĐ CTY TNHH 1TV.
(Nguồn: Anh Chung Thành Tiến, – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng, Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA)
Lại nói tiếp về tiền lương, tiền công của Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV mà người này trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là cho phí được trừ hay không được trừ? Các công văn hướng dẫn của Cơ quan thuế có đúng quy định không? và tại sao?
– Luật thuế TNDN ban hành trong năm 2006, tại thời điểm này chưa có lọai hình doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV vì Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực từ 01/07/2006 (các nhà làm luật chưa tham khảo các luật liên quan). Chính vì thế, Tại Mục i, Khoản 2, Điều 9: Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của Luật số 78 không đề cập tiền lương của đối tượng này là chi phí được trừ hay không được trừ.
” i) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;”
Như vậy, Luật không quy định thì tiền lương của Giám đốc/chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là chi phí được trừ.
– Luật 14/2008:
k) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán khác để trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
Như vậy, Luật năm 2008 khi đã có loại hình doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV vẫn không điều chỉnh, bổ sung quy định tiền lương của Giám đốc/chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là chi phí được trừ hay không được trừ.
– Luật số 32/2013
i) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;
Như vậy, Luật này cũng không quy định quy định tiền lương của Giám đốc/chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là chi phí được trừ hay không được trừ.
– Luật số 71/2014: Không sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến chi phí tiền lương khi xác định chi phí được trừ
Như vậy nếu nói rằng doanh nghiệp và người dân phải thực hiện theo pháp luật thì cho tới thời điểm hiện nay 2016 Luật thuế TNDN vẫn chưa thay đổi gì liên quan đến tiền lương, tiền công của giám đốc/chủ sở hữu Công ty TNHH MTV và hoàn toàn không có bất kỳ nội dung nào trong luật thuế TNDN nói rằng tiền lương, tiền công của Giám đốc/chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là chi phí không được trừ. Do đó, chi phí này là chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế TNDN qua toàn bộ các giai đoạn.
Tuy nhiên, khi xem xét các quy định của pháp luật, chúng ta cần hiểu thêm rằng trong trường hợp này các Luật thuế TNDN đều yêu cầu Chính phủ hướng dẫn. Như vậy trong trường hợp này cần xem xét Nghị định của Chính phủ “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.”
Do giai đoạn đầu chưa phát sinh loại hình doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV do đó chúng ta không bàn về các quy định của Chính phủ trong giai đọan này, chúng ta chỉ bàn từ thời điểm 2008 trở về sau. Theo quy định của nghị định 124/2008/NĐ-CP thì không hướng dẫn nội dung liên quan đến tiền lương, tiền công của giám đốc/chủ sở hữu Công ty TNHH MTV như vậy có thể hiểu rằng theo quy định của Luật trong trường hợp này đã rõ ràng và Chính phủ chỉ yêu cầu BTC hướng dẫn các nội dung liên quan mà Chính phủ hướng dẫn
“Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về chi phí được trừ và không được trừ quy định tại Điều này.”
Thế nhưng Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn: “d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.”
Như vậy, nội dung hướng dẫn này không có giá trị pháp lý và doanh nghiệp không phải thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư liên quan đến tiền lương, tiền công của giám đốc/chủ sở hữu Công ty TNHH MTV.
Đến Nghị định 218/2013/NĐ-CP thực hiện hướng dẫn luật số 32 về thuế TNDN theo đúng yêu cầu của Quốc hội, và Nghị định 218/2013 đã hướng dẫn như sau:
” m) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ), thù lao trả cho thành viên sáng lập doanh nghiệp mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh;…”
Theo nội dung hướng dẫn trên thì “chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ)” chỉ không được tính vào chi phí được trừ khi và chỉ khi người này “… người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh”.
Như vậy mọi việc liên quan đến tiền lương tiền công của giám đốc/chủ sở hữu Công ty TNHH MTV theo Nghị định đã rõ và như vậy tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) mà những người này có trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh sẽ là KHOẢN CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Tuy nhiên, Chính phủ đã giao cho BTC hướng dẫn tiếp điều này và BTC đã hướng dẫn tại Thông tư 78/2014/TT-BTC KHÁC với nội dung của Nghị định 218/2013/NĐ-CP cụ thể:
” d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.”
Theo nội dung hướng dẫn trên thì Bộ Tài chính đã chuyển dấu chấm phẩy (;) từ ngay phía sau “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân;…” của Nghị định sang ngay phía sau của “Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ);…”
Và như vậy tương tự như tiền lương, tiền công của chủ DNTN, tiền lương tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) cũng không được trừ trong mọi trường hợp!?
Vấn đề đặt ra là: Thông tư hướng dẫn Nghị định nhưng nội dung hướng dẫn hoàn toàn SAI Nghị định. Như vậy theo quy định tại điểm 2, Điều 156 hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật năm 2015 thì “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. ”
Luật 71 không sửa đổi nội dung này, Nghị định 12 không sửa đổi nội dung này của Nghị định 218. Do đó, Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn chỗ này dựa theo TT78/2014 cũng không có giá trị pháp lý.
Như vậy đã quá rõ ràng trong trường hợp này đã phát sinh sự khác nhau về cùng một vấn đề và do đó văn bản áp dụng cho đến hiện nay 2016 vẫn áp dụng theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP: “Tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) mà người này có trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh phải được chấp nhận là chi phí được trừ.
Từ các cơ sở pháp lý nêu trên có thể kết luận rằng toàn bộ các Công văn hướng dẫn của cơ quan thuế trong thời gian qua không cho phép doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khoản tiền lương, tiền công của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) mà người này có trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là TRÁI QUY ĐỊNH.
Trên đây là nội dung chia sẻ mang tính chủ quan của cá nhân người viết có thể còn nhiều thiếu sót, chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa hiểu thấu đáo vấn đề khi áp dụng các quy định hiện hành của nhà nước, nhưng với mong muốn cùng trao đổi để giúp nhau hiểu rõ, hiểu đúng các chính sách pháp luật thuế, … rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp để bài viết được hoàn thiện hơn.
Tình huống kế toán – Nguồn: Internet