PHÂN BIỆT: “CHI PHÍ CÔNG TÁC” VÀ “KHOÁN CHI CÔNG TÁC PHÍ”

Nhiều bạn kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế… chỉ lo ôm luật, nghị định, thông tư mà quên mất ngữ nghĩa của tiếng Việt. Họ không phân biệt được đâu là CHI PHÍ CÔNG TÁC và đâu là KHOÁN CHI CÔNG TÁC PHÍ. Chính vì vậy, họ đánh đồng hai khoản mục này với nhau, trong khi thực tế 2 khoản mục này có đặc điểm và tính chất hoàn toàn khác hẳn.

1. KHOÁN CHI CÔNG TÁC PHÍ: Thực chất là một khoản phụ cấp của đơn vị sử dụng lao động, chi trực tiếp cho người lao động cùng với lương, mang tính chất như lương, nhằm để người lao động sử dụng cho CÁ NHÂN MÌNH trong quá trình sinh hoạt và công tác. Nó có một số đặc điểm như sau:

– Thời điểm chi: theo định kỳ, thường là cùng lúc với chi lương.
– Mức chi: được ấn định sẵn dựa theo từng vị trí, chức vụ, đặc điểm công việc… không cần biết trong tháng đó người lao động đi công tác nhiều hay ít.
– Đối tượng nhận tiền: Người lao động của cty.
– Quyền quyết định của người lao động: Người lao động được toàn quyền sử dụng đối với khoản chi này. Nói cách khác là “dư anh được hưởng, thiếu anh tự bù vào”.
– Chứng từ bắt buộc: Phiếu chi tiền, lệnh chuyển tiền… thường là dùng chung với chứng từ chi lương.

2. CHI PHÍ CÔNG TÁC: là chi phí công ty chi ra phục vụ cho các chuyến đi công tác của cán bộ, nhân viên công ty, nhằm mục đích phục vụ cho HOẠT ĐỘNG SXKD chung của cty chứ không riêng một cá nhân nào cả. Chi phí này có một số đặc điểm như sau:

– Thời điểm chi: không theo định kỳ, có đi công tác có chi, không đi công tác không chi.
– Mức chi: không biết trước được (hoặc chỉ dự toán trước được số gần đúng mà thôi). Thực tế phát sinh bao nhiêu chi bấy nhiêu.
– Đối tượng nhận tiền: Người bán hàng, cung cấp dịch vụ
– Quyền quyết định: người đi công tác chỉ được đề nghị cty chi, đề nghị công ty thanh toán theo đúng số tiền trên hóa đơn, chứng từ… họ không có quyền quyết định chi nhiều hơn hay ít hơn.
– Chứng từ bắt buộc: Phải có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet