Mùa báo cáo tài chính đã đến, kế toán chúng ta đang đau đầu cân đối doanh thu, chi phí. Như 1 lối mòn, tại thời điểm này cứ thiếu chi phí thì “võ” của kế toán thường sử dụng là đẩy chi phí tiền lương thời vụ vào (do không lấy được hóa đơn năm 2017 nữa). Và nhiều bạn thường tư duy thế này: Để tránh đóng bảo hiểm thì chỉ để người lao động ký hợp đồng dưới 3 tháng, để tránh khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) 10% tại nguồn với những khoản chi trả từ 2.000.000đ trở lên thì làm cam kết 02/CK-TNCN.
Vậy đối tượng nào được làm bản cam kết 02/CK-TNCN? Hiện nay có nhiều bạn kế toán vẫn hay mặc định rằng: cá nhân có thu nhập dưới 108.000.000đ/năm là được làm cam kết. Hiểu như vậy là chưa đủ. Sau đây mình xin chia sẻ với các bạn về Điều kiện được làm cam kết 02/CK-TNCN theo chuẩn thông tư hướng dẫn.
Cá nhân được làm cam kết 02/CK-TNCN khi đồng thời thỏa mãn 4 điều kiện sau:
– Là cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc ký HĐLĐ dưới 3 tháng;
– Có tổng mức trả thu nhập từ 2.00.000đ/ lần trở lên;
– Chỉ có duy nhất thu nhập tại nơi chi trả thu nhập nhưng ước tính tổng thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế;.
– Phải đăng ký thuế và có mã số thuế TNCN tại thời điểm cam kết.
-> Như vậy những trường hợp phổ biến sau không đủ điều kiện làm cam kết nhưng nhiều kế toán vẫn hay mắc phải:
– Tại thời điểm làm cam kết chưa có mã số thuế (ví dụ: tháng 1/2017 làm cam kết nhưng tại thời điểm đó chưa có mã số thuế TNCN thì cam kết không có hiệu lực)
– Có thu nhập từ 2 nơi trở lên trong năm tính thuế.
(Căn cứ: Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC)

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet