KINH NGHIỆM QUYẾT TOÁN THUẾ

Nếu nói lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế là tinh hoa của kế toán thì công tác quyết toán thuế có thể ví như mời khách đến nhà … ăn cỗ.

Thời nay, do cuộc sống bộn bề, thói quen xã hội thay đổi, kinh tế nhiều hơn nhưng thời gian ít hơn, người ta có xu hướng mời khách đến nhà hàng cho tiện, đỡ phải rửa bát.

Lời chào cao hơn mâm cỗ. Mời khách đến nhà không phải chỉ là để ăn, mà chủ yếu khách được mời cảm nhận tấm thịnh tình của chủ nhà. Một nét văn hóa đậm tính nhân văn. Chủ và khách cùng xuýt xoa cách bài trí một phòng ăn ấm cúng, một lọ hoa được cắm cầu kỳ, một chậu cây được chăm tỉa kỹ lưỡng để rồi khách hiểu thêm được khiếu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhà trước khi ngồi vào bàn ăn và khi đó, bữa ăn đơn sơ cũng trở nên thi vị.

Quyết toán thuế cũng vậy.

Không khí niềm nở, thân mật ban đầu sẽ làm mềm những bước chân đầu tiên của khách. Không khí ấm cúng làm cho họ tự nhiên hơn và từ đó đón nhận sự chia sẻ với một tâm thế cởi mở và đồng cảm.

Khách không phải chủ nhà, cán bộ thuế không phải là người kinh doanh.

Sự chia sẻ nhẹ nhàng, chân thật về đặc trưng công việc làm cho khách tự cảm nhận được những khó khăn, thuận lợi của chủ nhà. Điều này giúp cho họ tự giải thích được tại sao căn nhà được bài trí như vậy, nó hợp lý với điều kiện và thói quen của chủ nhà ra sao, tại sao doanh nghiệp phải thuê nhiều lao động đến thế…

Một đầu bếp giỏi có thể nấu được một món ăn ngon, nhưng người ăn không chỉ cảm nhận ngon từ vị giác, khứu giác. Chủ nhà có thể nấu ăn không giỏi nhưng họ biết kết hợp hài hòa các món ăn, cách bài trí, phối màu trang nhã sẽ làm mâm cơm trở nên hấp dẫn.

Một bộ hồ sơ kiểm tra được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có trình tự. Một bộ sổ kế toán được đóng vuông vức, sạch sẽ cũng có tác dụng như một mâm cơm được bày biện một cách tinh tế vậy.

Gắp mời là một nét văn hóa riêng biệt của người Việt Nam. Nó thể hiện sự tôn trọng của chủ giành riêng cho khách. Tiếc rằng văn hóa này hiện nay nhiều người cho là phiền toái mà bỏ đi.

Tính chủ động trong việc cung cấp tài liệu kiểm tra cho khách cũng hoàn toàn tương tự như thế, ấy vậy mà có một số người còn xui nhau giấu đi, hay lừa chậm đưa cho khách.

Bữa cơm có món chính, món phụ theo mùa. Mùa nào thức ấy. Gắp mời khách phải mời món chính, có ai gắp rau mời khách bao giờ. Hồ sơ có phần chính, phần phụ theo đặc điểm chuyên biệt của từng ngành kinh doanh. Đưa phần phụ ra trước khác gì gắp mời khách ăn rau.

Bữa ăn không nên quá ngắn và cũng không nên quá dài, chỉ nên vừa đủ để chủ và khách hiểu nhau và cùng thưởng thức bữa ăn.

Chủ nhà nên biết khách đến thời điểm nào phải kết thúc công việc, vừa đủ để hoàn thành yêu cầu mà nhẹ nhàng, thư giãn cho cả hai bên.

Khi chủ và khách hiểu nhau và tôn trọng nhau như vậy, một bữa cỗ đơn sơ có giá trị hơn một mâm sơn hào hải vị, cho dù bữa ăn đó chỉ do một cô con dâu vụng làm ra.

Quyết toán thuế nhẹ nhàng như ăn cỗ vậy !

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Minh, GV Học Viện Taca !

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet