Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

– Hóa đơn mua phải của doanh nghiệp bỏ trốn, hóa đơn ma, hóa đơn ảo ….. thì xử lý như thế nào?

– Có được khấu trừ thuế GTGT và được tính vào chi phí hợp lý hay không?

– Hậu quả của việc mua bán hóa đơn và mua hóa đơn của công ty bỏ trốn

*Căn cứ:

– Điều 20 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 & điều 20 Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 & điều 20 Thông tư số 39/2014/TT BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
– Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/1/2012 & Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT);
– Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 & Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014 & Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);
– Khoản 2 Công văn số 7333/BTC-TCT ngày 24/6/2008 của Bộ Tài chính về việc xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

***Theo đó:

***Các trường hợp được xem là hóa đơn bất hợp pháp: Sử dụng hoá đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.

– Hoá đơn giả là hoá đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hoá đơn.

– Hoá đơn chưa có giá trị sử dụng là hoá đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

– Hoá đơn hết giá trị sử dụng là hoá đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hoá đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hoá đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).”

***Cơ quan thuế xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể như sau: Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan công an, cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra đã có kết luận hóa đơn do cơ sở kinh doanh sử dụng là bất hợp pháp thì:

– Cơ sở kinh doanh không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, trường hợp đã khấu trừ (hoặc đã được hoàn) thì cơ quan thuế xử lý truy thu, truy hoàn số thuế GTGT đã khấu trừ (đã hoàn).

– Cơ sở kinh doanh không được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào theo hóa đơn bất hợp pháp.

*** Giao dịch trước khi có thông báo của cơ quan chức năng về doanh nghiệp bỏ trốn:

– Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra xác định đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật

+++ Các chứng từ cần có để chứng minh:

1. Hợp đồng mua bán

2. Phiếu xuất kho, phiếu giao hàng bên bán

3. Phiếu nhập kho bên mua

4. Hóa đơn mua bán

5. Chứng từ thanh toán tiền hàng: chuyển khoản có UNC, tiền mặt có phiếu thu bên bán + phiếu chi bên bạn và thu bên Bán nếu tiền mặt

6. Thanh lý hợp đồng

7. Hoạch toán sổ sách đầy đủ

8. Khai báo thuế đầy đủ: hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế

………………

= > Được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

*** Nếu giao dịch mua bán là không thực: Khi cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác trong quá trình kiểm tra, xác minh, điều tra kết luận hóa đơn do cơ sở kinh doanh sử dụng là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ sở kinh doanh bị xử lý như sau:

– Truy thu toàn bộ VAT đầu vào 10% tương ứng

– Truy thu toàn bộ thuế TNDN nếu phát sinh ( trừ trường hợp giảm lỗ, và chuyển lỗ)

– Phạt hành vi kê khai sai 20% / tổng tiền thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn.

– Chậm nộp theo mức 0.05%, 0.07%, 0,03%/ngày theo thời điểm hiệu lực ở các văn bản pháp luật tương ứng

– Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận : Nghị định 129/2013/NĐ-CP, Thông tư 166/2013/TT-BTC

*Ví dụ:

Công ty có thuê xe ô tô của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Á Việt (gọi tắt là Công ty Á Việt) để lãnh đạo đi công tác và đã thanh toán tiền mặt, Công ty Á Việt xuất giao cho Công ty hóa đơn ký hiệu AV/11P số 0000037 ngày 06/6/2013 và Công ty đã kê khai thuế. Tuy nhiên, theo công văn số 80/CCT-TB-BKD ngày 17/4/2013 của Chi cục Thuế Quận Bình Thạnh (cơ quan thuế quản lý trực tiếp Công ty Á Việt) thì Công ty Á Việt đã bỏ địa điểm kinh doanh như vậy hóa đơn trên được lập sau ngày cơ quan thuế thông báo bỏ trốn được xác định là hóa đơn bất hợp pháp, Công ty không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

***Chi tiết tại: Công văn số 11805/CT-TTHT ngày 31/12/2014 về hóa đơn bất hợp pháp.

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet