KẾ TOÁN LỤA NGÔ CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÁC CHI PHÍ QUYẾT TOÁN THUẾ THƯỜNG HAY BỊ TRUY THU VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC XỬ LÝ
1. Tiền mặt – tiền góp vốn – Tiền vay – Chi phí lãi vay vấn đề muôn thủa của DN.
– Tại thời điểm 31/12 các năm tài chính TK 111 (tiền mặt) luôn tồn nhiều không có cơ sở căn cứ để giải trình.
– Tiền vốn góp chưa đủ, Doanh nghiệp lại đi vay và chi trả lãi vay ( Vay của ngân hàng) chứng tỏ luôn vốn ảo.
Cách xử lý:
Trên thực tế tiền tồn, vốn chưa góp hết, DN cần vốn vẫn cứ phải vay ( Vay ngân hàng, hoặc vay cá nhân) vẫn phải chi trả lãi vay.
Với kế toán nội bộ bạn vẫn phải chi trả hạch toán lãi vay bình thường nhưng với thuế các bạn chỉ hạch toán của phần vay ngân hàng thôi, Còn phần vay của cá nhân tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị mình mà có thể chỉ hạch toán mỗi bên nội bộ hoặc hạch toán cả bên thuế. và sẽ loại chi phi phí lãi ra trên Chỉ tiêu B4 khi quyết toán thuế TNDN ( Phần chi phí lãi vay tương ứng với phần góp vốn còn thiếu) và trước khi lên cân đối BCTC thì các bạn lại phải tìm một nguồn chi phí khác để bù đắp vào nó VD chi phí lãi vay nhiều khi bị loại ra làm ảnh hưởng tới thuế TNDN phải nộp nhiều chẳng hạn thì các bạn phải tùy cơ dựa vào tình hình thực tế của DN để xử lý.
Nhưng cách hạn chế tối ưu nhất để DN không rơi vào tình trạng này Kế toán phải biết rõ và nắm vững về vấn đề này và tư vấn cho giám đốc để vốn điều lệ cho hợp lý vì tăng thì rất dễ chỉ tốn vài triệu là có thể làm được nhưng giảm vốn lại là vấn đề khó.
2. Các khoản chi dịch vụ ăn uống tiếp khách:
+ Tên hàng hóa, dịch vụ: “Tiếp khách”. Theo quy định tại Quyết định về mã ngành nghề đăng ký kinh doanh thì không có ngành nghề “Tiếp khách” mà chỉ có Dịch vụ ăn uống. Rất nhiều hóa đơn của các DN mắc lỗi này.
+ Các hóa đơn có ghi Tên hàng hóa, dịch vụ là: Dịch vụ ăn uống hoặc Ăn uống tiếp khách, Cơm tiếp khách…thì chỉ ghi chung chung, không đính kèm Bảng kê chi tiết các món ăn, đồ uống.
+ Các khoản tiếp khách lớn có khi đến 40 – 50 triệu một lần mặc dù TT 96/2015 không bị khống chế nữa các khoản chi phí tiếp tân, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, marketing, khuyến mại, quảng cáo… nhưng nó phải là hợp lý
Và các hóa đơn như vậy sẽ bị loại ra khỏi chi phí nếu như bạn không khắc phục xử lý nó.
+ Những hóa đơn đã lỡ viết tiếp khách mà đã kê khai thuế rồi thì yêu cầu bên cung cấp DV điều chỉnh bằng cách: lập biên bản điều chỉnh nội cung về tên vật tư hàng hóa, và viết một hóa đơn khác điều chỉnh về nội dung hàng hóa, theo Theo điều 20 TT 39/2014 hướng dẫn về hóa đơn và TT26/2015/TT-BTC
+ Đã là hóa đơn ăn uống thì bắt buộc phải có bảng kê món ăn đồ uống đính kèm theo, phải yêu cầu bên cung cấp DV đưa cho bạn, còn nếu đường cùng không có thì phải tự chế mà kẹp vào hóa đơn và khi quyết toán chấp nhận may rủi.
+ Để chắc chắn và giải trình một cách hợp lý chi phí tiếp khách mỗi hóa đơn nên kèm theo giấy đề nghị tiếp khách và ghi nội dung về vấn đề cuộc tiếp tiếp khách và số lượng khách. hoặc có bảng kế hoach tiếp khách được duyệt.
3. Chi phí xăng xe:
Chi phí xăng xe hiện nay hầu hết các doanh nghiệp lấy vô tội do vậy không giải trình được nên khi quyết toán bị loại ra.
Để khắc phục tình trạng xăng xe không bị loại khỏi chi phí và được tính là hợp lý phải cần đủ các thủ tục sau:
+ Căn cứ vào định mức tiêu hao nhiên liệu cho từng loại xe theo khung định mức của nhà nước.
+ Kế hoạch công tác ( Đi đến địa điểm nào và làm việc với ai, nội dung của việc đi công tác)
+ Lệnh điều động xe ( Chỉ số công tơ mét lúc bắt đầu đi, tình trạng xe, nhiên liệu tồn trong xe trước khi xe di chuyển …)
+ Bảng theo dõi nhật trình xe ( quãng đường nơi đi, nơi đến, số km đã đi) để từ đó tổng hợp được nhiên liệu của xe phục vụ cho SXKD để cân đối lấy chi phí xăng xe đầu vào.
4. Các hóa đơn vận chuyển:
Thường bị loại do không có đầy đủ hồ sơ, và bảng kê vận chuyển kèm hóa đơn nhưng không đúng quy định do vậy phải có đầy đủ các hồ sau:
+ Chứng minh các khoản chi phí cước vận chuyển là khoản chi thực tế phát sinh, phục vụ hoạt động SXKD bằng Hợp đồng vận chuyển. nếu là hợp đồng nguyên tắc thì từng lần nhận hóa đơn sẽ phải có bảng kê vận chuyển kèm theo và trong hợp đồng phải ghi rõ điều kiện thời gian cụ thể để xác nhận bảng kê vận chuyển. , chứng minh cung đường đi – đến, số lượng hàng hóa vận chuyển…
+ Nếu không có hợp đồng vận chuyển thì phải ghi rõ trên nội dung hóa đơn cung đường đi – đến, số lượng hàng hóa vận chuyển… trực tiếp trên hóa đơn.
+ Không được làm bảng kê kèm theo hóa đơn khi số dòng trên bảng kê vận chuyển ít hơn số dòng thứ tự trên hóa đơn ( vi phạm về nguyên tắc viết hóa đơn theo TT/39/2014). trừ trường hợp là bảng kê của hợp đồng vận chuyển nguyên tắc.
5. Trích khấu hao TSCĐ:
Khấu hao TSCĐ thường bị loại đó là trích khấu hao không nhất quán, thời gian trích khấu hao không tuân thủ theo phụ lục I – TT 45/2013/TT-BTC, khấu hao nhanh không có căn cứ cơ sở cần phải khắc phục như sau:
+ Căn cứ vào TT/45/2013 trước khi TSCĐ đưa vào sử dụng phải đăng ký mức trích khấu hao vậy công ty bạn phải có đăng ký phương pháp trích khấu hao và phải ghi rõ tên TSCĐ thời gian đăng ký trích khấu hao, tùy thuộc vào từng loại TSCĐ để đăng ký thời gian trích khấu hao cụ thể phải căn cứ vào phụ lục I- TT 45/2013 để làm cơ sở
+ Nếu DN muốn thực hiện khấu hao nhanh thì phải có kế hoach đăng ký trước khấu hao nhanh, doanh nghiệp cần làm thông báo với cơ quan thuế. Hình thức thông báo bằng văn bản, ghi rõ tài sản khấu hao nhanh, nguyên giá, tỷ lệ, thời gian khấu hao áp dụng và mức khấu hao nhanh.
Tuyệt đối không được làm đó là khi cân đối chi phí vào cuối năm thấy lãi nhiều quá thì quay sang khấu hao nhanh tài sản để đưa vào làm tăng chi phí.
6. Chi phí lương của Chủ sở hữu Công ty TNHH 1 TV do cá nhân làm chủ:
Chi phí tiền lương của Chủ sở hữu công ty TNHH 1 TV và tiền thù lao cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng quản trị sẽ bị loại nếu DN đưa vào xác định chi phí để tính thuế TNDN.
Do vậy phần thực tế chi trả vẫn hạch toán vào chi phí kế toán bình thường, nhưng khi quyết toán thuế TNDN thì sẽ loại ra trên mã chỉ tiêu B4
Trích: Tại tiết d, điểm 2.5, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 02/08/2014, áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2014 trở đi và thay thế cho Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012, hướng dẫn các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
“d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.”
7. Các bút toán phân bổ CCDC, trích khấu hao TSCĐ:
CCDC hoặc TSCĐ hết thời gian phân bổ hoặc hết thời gian khâu hao vẫn đưa vào phân bổ và tính khấu hao, CCDC thời gian phân bổ không hợp lý do không phân loại CCDC nên bị loại chi phí khi quyết toán
Cách xử lý khắc phục như sau:
+ Đối với CCDC và TSCĐ phải lập bảng phân bổ và khấu hao tổng hợp để theo dõi cụ thể cho từng loại CCDC/TSCĐ theo từng tháng : Số năm phân bổ/khấu hao, số năm đã phân bổ/khấu hao, số năm còn lại chưa phân bổ/chưa khấu hao, theo dõi nguyên giá, số phân bổ trong ký, số đã phân bổ lũy kế, giá trị còn lại có như vậy thì với phát hiện là CCDC / TSCĐ đã hết thời gian rồi thì không phân bổ nữa. Và sẽ không bị sót khi hạch toán đưa vào chi phí
+ CCDC khi tính thời gian phân bổ phải phân loại theo tính năng sử dụng của của nó để phân bổ bởi vì có loại CCDC là rẻ tiền nhưng lại lâu hỏng,nhưng có loại CCDC đắt tiền nhưng lại nhanh hỏng .
8. Bút toán kết chuyển thuế GTGT cuối kỳ:
– Kết chuyển sai số thuế được khấu trừ không tuân thủ theo nguyên tắc kết chuyển từ số có giá trị nhỏ sang giá trị lớn nên đã bị truy thu về thuế GTGT.
– Doanh nghiệp nên thực hiện Bút toán kết chuyển thuế GTGT tương ứng với kỳ khai thuế GTGT ( theo tháng hoặc theo quý) chứ không nên thực hiện Bút toán này vào thời điểm cuối năm tài chính.
VD: Trong quý 1/2015 có số phát sinh như sau:
– Số dư nợ đầu kỳ TK 133 = 10.000.000 đồng , Phát sinh nợ TK 133 trong kỳ = 90.000.000 đồng => Số dư nợ cuối kỳ TK 133= 100.000.000 đồng ( Trước lúc kết chuyển)
– Số dư có đầu kỳ TK 33311 = 30.000.000 đồng, Phát sinh có TK 33311 trong kỳ = 60.000.000 đồng, => Số dư có cuối kỳ TK 33311 = 90.000.000 đồng ( Trước lúc kết chuyển)
– DN đã kết chuyển và định khoản như sau:
Kết chuyển thuế GTGT đầu ra sang thuế GTGT đầu vào được khấu trừ ( TK 33311 -> TK 133) của quý 1/2015
Nợ TK 33311/Có TK 133 = 90.000.000 đồng
Khi quyết toán đã bị cơ quan thuế truy thu 30.000.000 đồng lý do kết chuyển sai số thuế GTGT trong kỳ.
Cách khắc phục sửa sai: Chỉ được lấy số được lấy số dư nợ TK 133 cuối kỳ so sánh với số phát sinh có của TK33311 để so sánh và kết chuyển theo nguên tắc số có giá trị nhỏ sang số có giá trị lớn và ở đây như VD trên thì chỉ được kết chuyển 60.000.000 đồng, còn số dư có đầu kỳ TK 33311 = 30.000.000 đồng không được kết chuyển vì đây là số phải nộp của kỳ trước nhưng do chưa nộp nên nó cộng dồn vào số dư có TK33311 của cuôi kỳ này.
9. Các khoản chi hội nghị khách hàng
Nhiều DN chỉ có mỗi hóa đơn về ăn uống và hóa đơn của thuê dịch vụ tổ chức sự kiện thì không đủ điều kiện để chấp nhập làm chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Cơ quan thuế chỉ chấp nhận các khoản chi này khi có đầy đủ các hồ sơ sau:
+ Trong quy chế tài chính hoặc quy chế về chính sách kinh doanh bán hàng là phải nêu rõ phần tổ chức hội nghị khách hàng.
+ Kế hoạch thực hiện hội nghị khách hàng được cấp thẩm quyền phê duyệt ( Dự trù kinh phí, số lượng khách mời, mục đích thực hiện…)
+ Danh sách khách mời, thông tin của khách mời.
+ Mẫu giấy mời của khách hành lưu lại.
+ Hợp đồng, hóa đơn, chứng từ thanh toán (nêu rõ kinh phí, địa điểm, thời gian thực hiện)
+ Các hình ảnh, video…chứng minh buổi hội nghị khách hàng đấy là có thật.
10. Các hóa đơn mua hàng hóa kèm Bảng kê:
– Bên bán xuất hóa đơn hàng hóa cho doanh nghiệp kèm Bảng kê chi tiết nhưng Bảng kê không đầy đủ các chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định chi tiết về hóa đơn bán hàng và cung cấp dịch vụ chi phí và thuế GTGT sẽ bị truy thu khi quyết toán.
Nếu hóa đơn kèm theo bảng kê thì phải đầy đủ điều kiện sau: Số dòng ghi tên vật tư hàng hóa thể hiện trên Bảng kê phải lớn hơn số dòng trên hóa đơn, Bảng kê phải đóng dấu của hai bên, ghi đầy đủ thông tin đơn vị bán hàng, mua hàng, các chỉ tiêu Người bán hàng, Người mua hàng, Thủ trưởng đơn vị…
11. Tính và ghi nhận giá nhập kho hàng hóa.
– Giá hàng hóa nhập kho (Chuẩn mực số 02 về Hàng tồn kho): giá mua hàng hoá + Chi phí phát sinh từ hoạt động mua hàng hóa – Các khoản giảm trừ (giảm giá, khuyến mại…).
– Kế toán đã không phản ánh đúng giá hàng hóa nhập kho ( Thay vì hạch toán vào Tài khoản 156, 152 ..: Hàng hóa, vật tư … thì kế toán lại hạch toán vào tài khoản 142, 242 và kết chuyển vào Chi phí kinh doanh) dẫn đến giá xuất kho sai, giá vốn hàng bán sai
– Chiết khấu thương mại, khuyến mãi cho nhiều kỳ hoặc cho cả năm nhưng giá trị đựợc viết vào hóa đơn cuối cùng hóa hóa đơn của đầu năm sau, kế toán lại trừ trực tiếp giá CKTM, khuyến mãi ngay trên hóa đơn được viết CK TM, khuyến mãi dẫn đến giá vốn sẽ bị sai.
Hạch toán giảm giá hàng hóa mua vào , giảm thuế GTGT đầu vào, giảm công nợ hoặc tiền mặt
Lưu ý khắc phục:
• Tất cả chi phí liên quan đến hàng hóa vật tư mua vào hạch toán đúng đủ theo chuẩn mực 02- HTK
• CKTM , KM khi hạch giảm cho tất cả hàng hóa vật tư mua vào trong từng đợt, hoặc cho Cả năm khi nhận được tiền CK TM, KM không hạch toán giảm trực tiếp cho hàng hóa, vật tư, trên một hóa đơn có ghi CK TM, KM
12. So sánh tỷ lệ giá vốn hàng hóa/ Doanh thu các năm:
– So sánh tỷ lệ giá vốn hàng bán/ doanh thu các năm thì tỷ lệ giá vốn hang bán dao động từ 96% – 99 %. Đối với doanh nghiệp thương mại thì tỷ lệ Giá vốn hàng bán/ Doanh thu của đơn vị bất hợp lý.
– Ghi nhận chưa đúng giá hàng hóa nhập kho dẫn đến giá vốn hàng bán sai và cân đối gián bán không chuẩn.
– Trong trường hợp: Giá vốn hàng bán của đơn vị lớn hơn hoặc bằng doanh thu. Khi cơ quan thuế kiểm tra, thanh quyết toán có thể ấn định giá trên cơ sở giá giao dịch thông thường trên thị trường : Theo điều 25 TT 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 và bị xử phạt Theo khoản 1 điều 13 và TT 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013.
– Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp có doanh thu lớn, giá vốn hàng bán chiếm tỷ lệ cao, lỗ kéo dài..cơ quan thuế thường nghi ngờ doanh nghiệp có hành vi gian lận thuế, trốn thuế và có thể bị xử phạt truy thu 1 – 3 lần Điều 107, 108 Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11 và Luật số: 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 đã sửa đổi bổ sung.
Do vậy trước khi tính giá bán để ghi hóa đơn xuất cho khách hàng kế toán cần tập hợp hết chi phí mua hàng hóa, vật tư, hoặc phải có giá kế hoạch tạm tính để cân đối xuất hóa đơn ra cho phù hợp.
13. Các nghiệp vụ dư có Tài khoản 131 – Kèm theo hàng tồn kho quá lớn
– Các bút toán phát sinh giảm tài khoản 131: Phải thu khách hàng với số tiền lớn . – đồng thời hàng tồn kho lớn. CB thuế sẽ yêu cầu cung cấp Hợp đồng, chứng từ thu, chi tiền, giải trình ..do CQ thuế nghi ngờ việc trốn doanh thu (bán hàng không xuất hóa đơn).
Kế toán căn cứ hồ sơ sau để giải trình
Nếu là tiền tạm ứng của hợp đồng, tiền ký quỹ nếu là tổ chức phân phối … thì căn cứ theo hợp đồng để giải trình.
Nếu số dư không phải là tiền tạm ứng, ký quỹ mà là tiền khách hàng thanh toán tiền hàng, nhưng chưa xuất hóa đơn hoặc là không xuất hóa đơn thì phải tìm cách xử lý cho phù hợp.
14. Chi phí tiền lương, tiền công, cho người lao động thường bị loại chi phí do không đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định và do cần phải có đầy đủ hồ sơ sau:
o Hợp đồng lao động (thỏa ước lao động tập thể)
o Quy chế tiền lương, thưởng, phụ cấp
o Quyết định tăng lương (Trong trường hợp tăng lương)
o CMT photo
o Bảng chấm công hàng tháng
o Bảng thanh toán tiền lương
o Thang bảng lương do DN tự xây dựng
o Phiếu chi thanh toán lương hoặc chứng từ thanh toán qua ngân hàng
o Tất cả đều phải có chữ ký đầy đủ
o Mã số thuế TNCN (Danh sách nhân viên đăng ký mã số thuế TNCN)
Ngoải ra còn có: + Sổ bảo hiểm xã hội (Nếu TH lao động làm trên 3 tháng)
+ Bản khai trình việc sử dụng lao động khi mới bắt đầu hoạt động (Ban hành theo TT23/2014/TT/BLĐTBH)
+ Tờ khai quyết toán thuế TNCN năm
+ Tờ khai thuế TNCN tháng, quý nếu có phát sinh
+ Các chứng từ nộp thuế TNCN
• Đối với lao động thời vụ cần có thêm nếu không muốn khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi trả lương thì phải có bản cam kết mẫu 02 – TNCN
• Yêu cầu: Người lao động chỉ có thu nhập tại 1 nơi và phải có mã số thuế TNCN tại thời điểm làm cam kết
• Đối với Hợp đồng giao khoán thì cần thêm
+ Hợp đồng giao khoán
+ Biên bản bàn giao
+ Biên bản nghiệm thu
15. DT ghi nhận không đúng thời điểm nhất là vào thời điểm giao nhau gữa 2 năm tài chính.
Rất nhiều DN bị truy thu, bị phạt do không ghi nhận đúng về thời điểm DT để tính thuế GTGT và thuế TNDN điều không nên để xảy ra với DN.
Thời điểm ghi nhận DT:
Để tính thuế GTGT khoản 2 điều 16 TT 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014
Để tính thuế TNDN khoản 2 điều 5 TT 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 và theo điều 3 TT 96/2015 Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC
VD: 25/11/2015 Biên bản gia nhận hàng hóa, hoặc biên bản bàng giao hòan thành khối lượng công việc được hai bên giao nhận ký và đóng dấu hồ sơ đây đủ và tại 31/12/2015 DN đã phải nộp thuế đầu ra . Nhưng đến 05/01/2016 xuất hóa đơn , trên biên bản giao nhận hàng hóa tiền hàng 2.000.000.000 đồng tiền thuế 200.000.000 đồng. Giá vốn hàng hóa 1.800.000.000 đồng
DN kê khai thuế theo PP khấu trừ và báo cáo thuế GTGT theo quý
Tháng 8/2016 cơ quan thuế quyết toán và bị truy thu như sau:
Lợi nhuận = 2.000.000.000 – 1.800.000.000 đồng = 200.000.000 đồng
Tiền thuế TNDN = 200.000.000 x 20% = 40.000.000 đồng
tiền phạt 20% về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế GTGT và TNDN
40.000.000 (thuế TNDN) + 200.000.000 (Thuế TGT) = 240.000.000 x 20% = 48.000.000 đồng
phạt nộp chậm 0.05% x 240.000.000 x 90 ngày = 10.800.000 đồng
Tổng số tiền truy thu, nộp phạt, chậm nộp.
40.000.000 đồng ( TNDN) + 48.000.000 đồng (Phạt 20%) + 10.800.000 đồng (Chậm nộp)= 98.800.000 đồng.
Qua ví dụ trên các bạn thấy điều thiệt cho việc ghi nhận thời điểm doanh thu không đúng theo quy định làm thiệt hại rất lớn đến DN.
Lưu ý: Trước khi xuất hóa đơn các bạn nên kiểm tra hồ sơ kèm để phù hợp với việc xuất hóa đơn,nếu ngày trên hồ sơ để căn cứ xuất hóa đơn không phù hợp với ngày xuất hóa đơn phải tìm cách để khắc phục cho phù hợp.
KẾ TOÁN LỤA NGÔ CHÚC CÁC BẠN SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG CÁC BẠN ĐÃ CHỌN VÀ ĐANG ĐI.
NGUỒN BÀI ĐĂNG TỪ KẾ TOÁN LỤA NGÔ

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet