[CÁC TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP – PROFESSIONAL BODIES] – Phần 1
Nguồn: anh Long Phan

Những người hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính,… thì việc trở thành hội viên hội nghề nghiệp là cần thiết. Vì sao cần thiết? vì chứng minh người đó đủ năng lực hành nghề ở mức độ cao nhất, người ta gọi là đã qualified 😀
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, việc có chứng chỉ nghề nghiệp và trở thành hội viên hội nghề nghiệp chỉ là điều kiện CẦN, không phải là tất cả để một người hành nghề chuyên nghiệp thành công. Sẽ có rất nhiều điều kiện ĐỦ để thành công. Thực tế cho thấy nhiều sếp cỡ lớn ở các Professional firms không có các chứng chỉ nghề nghiệp và không là hội viên nghề nghiệp, ngoại trừ những hãng kiểm toán là bắt buộc bởi đặc thù dịch vụ đảm bảo.
Như vậy, hiểu về các tổ chức nghề nghiệp sẽ giúp cho những người hành nghề, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có định hướng phát triển nghề nghiệp tốt hơn.
Đầu tiên ta phân loại các tổ chức nghề nghiệp.
(1) Phân loại theo yếu tố pháp lý (Legislation)
Đặc thù nghề kế toán, kiểm toán mang tính địa phương rất cao (localise). Đơn giản là chúng ta hiểu luật, thuế, hệ thống kế toán ở quốc gia nào thì hành nghề ở quốc gia đó. Thế nhưng với xu hướng toàn cầu hoá như hiện nay thì hội nhập trong kế toán, kiểm toán là thiết yếu, dẫn tới các tổ chức nghề nghiệp tại một số quốc gia có chiến lược mở rộng ra toàn cầu.
Phân loại theo cách này ta có 2 loại: (1) Chứng chỉ nghề nghiệp của Việt Nam do Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế cấp gồm Chứng chỉ hành nghề Kiểm toán, Kế toán và Đại lý thuế, trong tài chính thì có các chứng chỉ do UBCK cấp; (2) Chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức quốc tế đang có hoạt động tại Việt Nam, hoặc được những người trong nghề công nhận như ACCA, CPA Australia, ICAEW, CMA, CIMA, CFA,…
Ở Việt Nam, muốn hành nghề dịch vụ kế toán, kiểm toán, thuế, tư vấn tài chính, chứng khoán thì phải có các chứng chỉ Việt Nam. Những người hành nghề có các chứng chỉ quốc tế phải thi chuyển đổi sang chứng chỉ Việt Nam, do yếu tố pháp luật và địa phương hoá nêu trên.
(2) Phân loại theo nghề nghiệp đối với các chứng chỉ quốc tế thông dụng tại Việt Nam:
(Theo thứ tự bảng chữ cái A, B, C…)
– Kế toán tài chính, kiểm toán: ACCA, CPA Australia, ICAEW
– Quản trị, quản trị tài chính và kế toán quản trị: CIMA (UK), CMA Australia, IMA (US)
– Kiểm toán nội bộ: CIA của The IIA
– Kiểm toán công nghệ thông tin: CISA
– Quản trị rủi ro: FRM của GARP
– Tài chính đầu tư: CFA, CMT (Khác với quản trị tài chính doanh nghiệp nêu trên)
Tất nhiên việc phân loại trên chỉ là tương đối, vì một chứng chỉ này có thể có những nội dung của chứng chỉ khác, và những hội viên có chứng chỉ này có thể làm những việc có liên quan đến chứng chỉ khác. Ví dụ: Hội viên CPA Australia có thể làm được cả quản trị tài chính doanh nghiệp, tài chính đầu tư, hay kiểm toán nội bộ. Hội viên CFA có thể làm cả quản trị rủi ro hay giám đốc tài chính doanh nghiệp. Nghề nghiệp phụ thuộc phần nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng của người hành nghề.

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet