Điều chỉnh khung tính thuế khi giá tài nguyên tăng, giảm trên 20%
==============

(TCT online) – Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu những quy định mới về khung giá tính thuế tài nguyên, do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Tân – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Tổng cục Thuế cho biết, Thông tư số 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau vừa được Bộ Tài chính ban hành sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Thông tư 44 gồm 03 chương với 10 điều trong đó quy định rõ, khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên và yến sào thiên nhiên.

Căn cứ vào khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư 44, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên tại bảng giá phải lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại khung giá tính thuế tài nguyên. Thông tư 44 quy định rõ 2 trường hợp điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên gồm: khi giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn, tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành hoặc phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên.

Thông tư quy định trách nhiệm cụ thể của sở tài chính và các đơn vị có liên quan đối với trường hợp giá tài nguyên biến động lớn, phải điều chỉnh ngoài khung giá và đối với trường hợp tài nguyên mới chưa được quy định trong khung giá tính thuế tài nguyên. Tổng cục Thuế có trách nhiệm xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu giá tính thuế tài nguyên phục vụ cho việc quản lý, thanh tra, kiểm tra liên quan đến thuế tài nguyên trong toàn quốc; góp phần khuyến khích việc khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngày 9/6/2017 Tổng cục Thuế đã có công văn số 2533/TCT-CS gửi cục thuế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị cục thuế phối hợp với sở tài chính và các cơ quan liên quan tại địa phương rà soát, xác định mức giá tính thuế tài nguyên của mỗi loại tài nguyên, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét để tiếp tục áp dụng theo bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh đã ban hành, nếu còn phù hợp hoặc ban hành văn bản điều chỉnh đối với loại tài nguyên trong bảng giá không còn phù hợp với khung giá, chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày 01/7/2017.

Trả lời báo chí về việc cơ sở dữ liệu do Tổng cục Thuế xây dựng liệu có mang tính chủ quan hay không, ông Nguyễn Hữu Tân khẳng định, Thông tư 44 đã quy định rõ cơ sở dữ liệu được xây dựng tập trung thống nhất và thường xuyên được cập nhật. Nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu bao gồm: khung giá tài nguyên ban hành tại các phụ lục của Thông tư 44, bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND tỉnh ban hành. Nguồn thông tin thuế tài nguyên có sẵn, thể hiện trên tờ khai thuế tài nguyên do người nộp thuế kê khai và tờ khai thuế xuất nhập khẩu. Với nguồn dữ liệu đa dạng và phong phú đó sẽ đảm bảo được tính khách quan thống nhất khi xây dựng cơ sở dữ liệu.

Trung Kiên – TCT

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet