MỘT SỐ LƯU Ý VỀ ỦY THÁC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Mấy ngày cuối tuần bận túi bụi nhưng có đến 4 – 5 bạn nhắn tin hỏi về vấn đề ỦY THÁC xuất khẩu, nhập khẩu. Sẵn hôm qua trên lớp ôn thi APC có bàn về vấn đề này nên viết thành 1 bài nhỏ luôn, khỏi phải hướng dẫn từng người mất công.

I. Đặc điểm chung:

1. Đối tượng tham gia hoạt động ủy thác này là: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các trường hợp được coi như xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chủ thể tham gia hoạt động này gồm:

– Bên giao ủy thác: Là chủ hàng trong trường hợp xuất khẩu, hoặc người mua hàng trong trường hợp nhập khẩu.

– Bên nhận ủy thác: Là đơn vị đứng ra làm các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thay cho người bán hoặc người mua hàng. Theo quy định hiện hành thì chỉ có TỔ CHỨC đảm bảo các điều kiện theo quy định mới được nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.

*Lưu ý: Đừng nhầm lẫn hoạt động ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu với hoạt động cung cấp dịch vụ làm thủ tục hải quan nhé.

II. Một số vấn đề cần chú ý:

1. Nghĩa vụ thuế:

– Nghĩa vụ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Đơn vị nhận ủy thác có nghĩa vụ kê khai, tính, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với các trường hợp nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; Đối với các loại thuế khác như thuế GTGT, thuế TTĐB… không thuộc nghĩa vụ phải nộp của đơn vị nhận ủy thác. Tuy nhiên, đơn vị nhận ủy thác vẫn có thể kê khai và nộp hộ cho người bán, người mua và sau đó thu lại tiền của họ.

– Tất cả các nghĩa vụ thuế còn lại thuộc về đơn vị giao ủy thác. Cơ quan quản lý nhà nước không có quyền bắt buộc bên nhận ủy thác phải nộp các khoản này.

=> Hệ quả:

+ Thuế GTGT, thuế TTĐB đã nộp của hàng hóa ở khâu nhập khẩu thì người giao ủy thác (người mua hàng) sẽ được khấu trừ. Bên nhận ủy thác không được khấu trừ các khoản thuế này.

+ Đơn vị giao ủy thác xuất khẩu (người bán hàng) sẽ là người được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% và ghi nhận doanh thu xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu. Bên nhận ủy thác không liên quan.

2. Về hóa đơn, chứng từ:

– Đơn vị nhận ủy thác sẽ là người đứng tên trên tất cả các chứng từ, thủ tục ở khâu xuất khẩu, nhập khẩu, kể cả các chứng từ nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

– Đối với hàng nhập khẩu, sau khi hoàn thành các thủ tục nhập khẩu và xuất trả hàng cho người mua, đơn vị nhận ủy thác phải thực hiện như sau:

+ Lập 1 hóa đơn riêng biệt cho khoản hoa hồng ủy thác;

+ Nếu tại thời điểm giao trả hàng mà người mua hàng (bên giao ủy thác) đã đã có chứng từ chứng minh hoàn thành xong các nghĩa vụ thuế GTGT, thuế TTĐB của hàng nhập khẩu, thì bên nhận ủy thác xuất thêm 1 hóa đơn trả hàng. Trong đó ghi nhận đầy đủ các khoản mục như: Giá mua hàng, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB hàng nhập khẩu (nếu có), thuế GTGT hàng nhập khẩu… để bên giao ủy thác làm căn cứ kê khai, khấu trừ thuế (xem phụ lục 4, thông tư 39/2014).

+ Ngược lại, nếu tại thời điểm giao trả hàng mà bên giao ủy thác chưa có chứng từ chứng minh hoàn thành các nghĩa vụ thuế TTĐB, thuế GTGT của hàng nhập khẩu, thì bên nhận ủy thác chỉ lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ để bên giao ủy thác làm căn cứ trình cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển và làm căn cứ nhập kho.

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet