HÓA ĐƠN TRÊN 20 TRIỆU,
CÓ BẮT BUỘC PHẢI CÓ HỢP ĐỒNG MUA BÁN?

Vấn đề phải có hợp đồng mua bán ( HĐMB) hay không bắt buộc có HĐMB đối với hóa đơn có giá trị từ 20 triệu trở lên. Bài này mình chia sẻ để các bạn tham khảo và xử lý tình huống hợp lý.
Trước hết chúng ta cần xác định rằng, các giao dịch mua bán thông thường mà không yêu cầu bắt buộc phải có hợp đồng như mua bán nhà đất, các giao dịch phải chuyển quyền sở hữu…là các giao dịch dân sự bình thường và được điều chỉnh theo Luật Dân sự, do đó các giao dịch mua bán của DN với cá nhân hoặc với DN khác được coi là giao dịch thông thường.
Chúng ta xem xét cụ thể các Luật liên quan sau.
1/ Theo luật Dân sự
Theo Điều 401 Bộ luật dân sự quy định: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.
 Như vậy theo Luật này thì không nhất thiết phải
có HĐMB bằng văn bản khi phát sinh mua bán hàng hóa, dịch vụ thông thường.

2/ Tại TT 219, Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Có hoá đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.
== > Theo đó thì thuế GTGT được khấu trừ khi đủ hai điều kiện sau:
+ Thứ nhất là có hóa đơn GTGT hợp pháp
+ Thứ 2 là thanh toán không dùng tiền mặt với
hóa đơn từ 20 triệu trở lên.
Như vậy cũng không bắt buộc phải có HĐMB mới được khấu trừ thuế.

3/ Tại TT 78, (đã sửa đổi theo TT96) Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
== > Theo đó thì hóa đơn hợp pháp mà có giá trị từ 20 triệu trở lên và thanh toán không dùng tiền mặt thì được trừ vào chi phí hợp lý.
Như vậy cũng không bắt buộc phải có HĐMB mới được trừ vào chi phí hợp lý.

Tổng hợp và căn cứ vào 3 văn bản nêu trên thì không nhất thiết phải có HĐMB đối với hóa đơn từ 20 triệu trở lên.

Tuy nhiên trong mua bán nên có hợp đồng kể cả nhỏ hơn 20 triệu nếu việc mua bán đó không phải là trực tiếp hoặc bạn chưa thấy yên tâm, vì:
+Thứ nhất: Vì do thỏa thuận bằng lời nói trong mua bán nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu có tranh chấp mà hai bên không giải quyết được, dẫn đến việc cả hai hoặc một bên nào đó khởi kiện ra tòa án thì sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận cũng như các nội dung của thỏa thuận bằng lời nếu người bán hàng ( hoặc người mua) phủ nhận thỏa thuận đó.

+ Thứ 2: Theo quy định tại khoản 1, Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự, “người khởi kiện phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp và có căn cứ”.
Vì vậy, nếu bạn không có HĐMB làm bằng chứng, hoặc không có các giấy tờ khác chứng minh có việc mua bán giữa hai bên để chứng minh được các thiệt hại thì khó có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết việc đòi người bán hàng bồi thường hoặc trả lại tiền.
Lúc này thiệt hại cũng là lớn nếu việc mua bán không thành công nó sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, uy tín, danh dự của bạn.

+ Thứ 3: Một số cơ quan Thuế hay hỏi HĐMB khi kiểm tra, nhiều bạn chưa rõ các quy định nên nghĩ rằng là phải có HĐMB mới là hợp pháp và nó là bộ chứng từ đi kèm không thể tách rời với hóa đơn.
Do vậy cứ làm sẵn cái HĐMB, mua bán gì thì chỉ cần thay đổi thông tin chút là xong, thời gian làm hợp đồng nhanh hơn thời gian giải trình với Thuế

+ Thứ 4: Rủi ro có thể xảy ra khi mua bán không có hợp đồng, trong kế toán cứ sai là trả giá bằng tiền. Do đó tốt nhất là làm HĐMB trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ để tránh tối thiểu rủi ro.
Tóm lại: Khi mua hàng không bắt buộc phải có HĐMB nhưng có HĐMB vẫn tốt hơn là không có HĐMB
Chúc các bạn thành công.

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet