Quy trình mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Theo Quyết định số 838/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2017.

Quyết định số 838/QĐ-BHXH thay thế Quyết định số 528/QĐ-BHXH ban hành ngày 14/4/2015 và Quyết định số 1559/QĐ-BHXH ban hành ngày 15/12/2015. Theo đó, Quyết định số 838 hướng dẫn về quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bao gồm: Đăng ký tham gia giao dịch điện tử; đăng ký tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP.

Phạm vi áp dụng giao dịch điện tử được mở rộng đối với thủ tục giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức (cơ quan BHXH; tổ chức I-VAN; cơ sở KCB BHYT; trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan bưu điện; đơn vị SDLĐ…). Ngoài ra, còn áp dụng đối với các cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử hoặc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Việc quy định đối tượng áp dụng đối với cá nhân tạo điều kiện cho NLĐ, thân nhân NLĐ thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Quy trình cũng quy định cách lập, gửi hồ sơ điện tử và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử. Cụ thể:

Các tổ chức I-VAN có trách nhiệm thiết lập kênh kết nối với Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam theo đúng tiêu chuẩn; tuân thủ các quy định của pháp luật về CNTT, bảo mật thông tin; chuyển hồ sơ, chứng từ BHXH điện tử đến Cổng trong thời hạn 2 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ BHXH điện tử của đơn vị, cá nhân; thông báo xác nhận hồ sơ, chứng từ BHXH qua địa chỉ thư điện tử (các thông báo phải được gắn chữ ký số); không được hạn chế tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số của bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số hợp pháp nào; thường xuyên cập nhật kịp thời các quy định mới của BHXH Việt Nam về mẫu, khuôn dạng chuẩn để thực hiện việc kết nối lên Cổng.

Các đơn vị liên quan của BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra BHXH các tỉnh trong việc thực hiện; Trung tâm CNTT tổ chức tiếp nhận, quản lý và giám sát, đảm bảo lưu trữ và khôi phục thông tin nhanh chóng khi hệ thống gặp sự cố. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phải phối hợp kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan…

BHXH các tỉnh, huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện giao dịch điện tử với tổ chức, cá nhân theo quy định tại Quyết định này; đảm bảo về CNTT trong thực hiện; kiểm tra hồ sơ giấy do tổ chức, cá nhân gửi đến (nếu có), đối chiếu cơ sở dữ liệu thu để xét duyệt theo quy định; tổ chức thực hiện công tác hậu kiểm; tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức cá nhân đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử, thực hiện giao dịch điện tử; lưu trữ hồ sơ, chứng từ điện tử và hồ sơ, chứng từ giấy (nếu có). Đặc biệt, Giám đốc BHXH cấp tỉnh có trách nhiệm quy định thời hạn giải quyết hồ sơ giao dịch điện tử, đảm bảo rút ngắn so với thời gian theo quy định…

Các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm lập hồ sơ đúng, đủ; kê khai trung thực, chính xác; phối hợp với cơ quan BHXH trong việc xác minh hồ sơ, nhằm tạo điều kiện giải quyết hồ sơ, trả kết quả kịp thời, đúng quy định; lưu trữ và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai hồ sơ.

Việc triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác CCHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

V.Thu – Bao BHXH VN

=====
Link tải Quyết định 838/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam:

baohiemxahoi.gov.vn

Tình huống kế toán – Nguồn: Internet